Cà rốt là loại củ chứa nhiều chất dinh dưỡng và thường được sử dụng phổ biến trong mỗi bữa ăn của gia đình Việt. Với tác dụng vừa mang lại lợi ích cho sức khỏe như làm đẹp da, bổ mắt, giúp chắc khỏe xương, bảo vệ tim mạch và phòng chống bệnh cao huyết áp, cho nên cà rốt được xem như là thần dược và được trồng phổ biến ở khắp mọi nơi. Đã bao giờ bạn nghĩ thay vì phải đi mua thì tại sao bạn lại không tự trồng cà rốt ngay tại nhà vừa giúp bạn tiết kiệm được chi phí mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm. Cách trồng cà rốt tại nhà cũng không quá khó, chỉ cần bạn chịu khó bỏ ra một ít thời gian để chăm sóc thì hiệu quả mang lại sẽ vô cùng lớn. Để dễ dàng hơn thì chúng ta hãy cùng đón xem bài viết dưới đây nhé!
1. Đặc điểm của cà rốt
Cà rốt là loại cây thân thảo, cây gồm có 2 phần chính đó là phần củ và phần lá. Củ cà rốt có nhiều màu sắc khác nhau tùy thuộc vào từng loại giống như màu cam, màu đỏ, trắng…
Phần lá cà rốt có màu xanh, thuộc lá kép hình lông chim rất độc đáo và các cuống lá dài mọc thành bẹ chụm lại liền với phần củ. Cà rốt có thể phát triển tối đa là 1m.
2. Công dụng của cà rốt
Củ cà rốt thường được dùng trong nhiều món ăn với nhiều công dụng đặc biệt cho sức khỏe con người:
– Làm đẹp da: Trong cà rốt chứa nhiều vitamin A, ăn nhiều cà rốt sẽ khiến cho làn da trở nên mịn màng hơn. Ngoài ra còn giúp mắt khỏe và sáng hơn.
– Bảo vệ tim mạch: Củ cà rốt chứa nhiều carotenoid giúp ngăn ngừa những bệnh tim mạch
– Ổn định huyết áp: Lượng natri trong củ cà rốt giúp cơ thể cân bằng huyết áp ở mức ổn định
– Ngoài ra, cà rốt còn có nhiều công dụng khác như cải thiện trí nhớ, giải độc cơ thể, giúp chắc khỏe xương…
3. Chuẩn bị khi trồng cà rốt
a. Giống
Thông thường cà rốt được trồng bằng cách gieo hạt hoặc trồng bằng củ, bạn nên lựa chọn những hạt giống chắc khỏe, không sâu bệnh đảm bảo hạt nảy mầm tốt. Để hiệu quả thì bạn nên đặt mua hạt giống ở những nơi có uy tín để mua.
b. Đất trồng
Lựa chọn đất phù sa màu mỡ hoặc đất thịt để trồng, đất phải được làm sạch cỏ, bừa kỹ và san bằng phẳng. Bạn có thể trộn đều đất với xơ dừa và phân trộn để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển.
c. Chậu trồng
Bạn có thể sử dụng thùng xốp, hộp nhựa, bao xi măng hay chậu tùy thuộc vào sở thích và kích thước của cây, lưu ý chậu phải có độ thoát nước tốt đảm bảo cho cây phát triển tốt.
4. Cách trồng cà rốt đơn giản ngay tại nhà
Dưới đây là 2 cách trồng cà rốt được sử dụng phổ biến hiện nay:
a. Cách trồng cà rốt bằng hạt
Bước 1: Tiến hành vò bằng tay hạt cà rốt, sao cho phần lông cứng bên ngoài vỏ bị gãy hết, sau đó bạn trộn hạt với phần đất mùn theo tỷ lệ là 1:1. Tưới nước thường xuyên 1 ngày 2 lần giúp hạt duy trì độ ẩm và sau 2 ngày có thể đem đi gieo.
Bước 2: Sau 2 ngày lấy hạt giống ra và gieo trực tiếp vào đất hoặc chậu trồng đã chuẩn bị bằng cách gieo mỗi lỗ gieo từ 2 đến 3 hạt rồi phủ thêm một lớp đất lên trên. lưu ý các lỗ cách nhau khoảng 5cm.
b. Cách trồng cà rốt bằng củ
Cách trồng cà rốt bằng củ thì được sử dụng rộng rãi hơn vì rút ngắn được nhiều thời gian hơn so với gieo bằng hạt.
Bước 1: Tiến hành ngâm ¾ củ cà rốt vào trong khay nước khoảng 1 tuần để giúp củ phát triển rễ . Lưu ý đặt khay nước ở chỗ có ánh sáng tốt, thay nước 2 ngày 1 lần để tránh củ bị mốc.
Bước 2: Sau 1 tuần củ đã phát triển rễ, bạn lấy củ ra và tiến hành trồng trực tiếp vào trong đất vườn hoặc chậu trồng đã chuẩn bị trước.
5. Chăm sóc cà rốt đúng cách
Ánh sáng và nhiệt độ: Cà rốt là loại ưa nắng nên bạn cần đặt cây ở những nơi có ánh sáng tốt, nhất là nắng buổi sáng. Nếu trồng trong chậu, thùng xốp thì bạn có thể di chuyển cây vào những nơi có ánh sáng phù hợp, tránh ánh nắng quá gắt gây chết cây. Về nhiệt độ thì bạn nên duy trì nhiệt độ cho cây từ 17-27 độ để giúp cây phát triển và sinh trưởng tốt hơn.
Tưới nước: Tưới nước thường xuyên cho cây 2 đến 3 ngày tưới 1 lần. Vào giai đoạn cây phát triển cũ bạn nên tưới nước thường xuyên cho cây để đảm bảo duy trì độ ẩm cho củ phát triển. Bạn có thể đặt tay vào đất để kiểm tra độ ẩm trong đất để tưới lượng nước phù hợp cho cây nhằm tránh trường hợp tưới quá nhiều nước gây ngập úng hoặc tưới quá ít nước.
Bón phân và phòng sâu bệnh: Ở giai đoạn phát triển củ bạn có thể kết hợp phân NPK với phân trùn quế để bón cho cây. Các loại sâu bệnh thường xuất hiện ở cây là bệnh thối đen, bệnh thối nhũn, bệnh cháy lá, bạn cần chú ý theo dõi cây thường xuyên để tiến hành phòng trừ. Bạn có thể dùng thuốc Anmisdotop, Novistar… để phòng trừ bệnh thối đen hoặc có thể phun Bordeaux để phòng ngừa bệnh cháy lá.
6. Thu hoạch cà rốt
Sau 3 tháng trồng là bạn có thể tiến hành thu hoạch cà rốt, thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào những ngày nắng, khô ráo. Thu hoạch bằng cách dùng tay nhổ dứt khoát cây và cắt bớt phần lá đi chỉ để lại phần củ và cuống lá dài tầm 5cm. Sau đó bạn rửa sạch và đem cất vào tủ lạnh để ăn dần.
Như vậy cách trồng cà rốt cũng khá đơn giản phải không, chỉ cần bạn chú ý chăm sóc thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn một phần nào trong quá trình trồng cà rốt tại nhà của mình. Chúc bạn thành công!