Đu đủ là loại quả không chỉ có mùi vị thơm ngon mà còn chứa nhiều công dụng đặc biệt mà chắc hẳn chúng ta chưa thể ngờ tới được. Đu đủ còn được xem là một bài thuốc quý giúp cơ thể chống lại các bệnh như tim mạch, giúp chắc khỏe xương và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng. Hiện nay đu đủ được trồng phổ biến ở rất nhiều nơi vì nó rất dễ trồng nhưng lại cho năng suất cao và đặc biệt là đem đến nguồn thu nhập cho gia đình. Bài viết dưới đây chúng tôi muốn chia sẻ cho bạn cách trồng đu đủ đơn giản ngay tại nhà. Chúng ta hãy cùng theo dõi nhé!
1. Đặc điểm của đu đủ
Đu đủ là loại cây thân thảo, thích hợp ở điều kiện khí hậu ấm áp và ưa sáng. Thân cây thường mềm và bao quanh có nhiều sẹo, rễ của chúng thường đâm nhánh chiều ngang và phát triển rất mạnh mẽ. Lá đu đủ là lá đơn, màu xanh thường mọc thành chùm ở ngọn cây và phần mặt dưới lá có gân màu trắng. Quả đu đủ thường có hình trụ và hình thon dài, bên trong ruột có nhiều hạt, quả có màu xanh và khi chín chuyển thành màu vàng.
2. Công dụng của đu đủ
Một số công dụng mà đu đủ mang lại cho sức khỏe con người như:
– Giảm viêm: Lượng Enzym trong đu đủ giúp cơ thể kháng viêm và hỗ trợ ngăn ngừa các loại viêm khớp, phù nề…
– Cải thiện hệ tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ trong đu đủ giúp cơ thể dễ dàng giải độc hệ tiêu hóa và việc ăn đu đủ nhiều sẽ giúp ngăn ngừa táo bón.
– Tăng cường thị lực: Hàm lượng vitamin A trong đu đủ rất tốt cho mắt và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
Ngoài những công dụng trên thì đu đủ còn có tác dụng làm giảm cân an toàn cho chị em phụ nữ.
3. Chuẩn bị khi trồng đu đủ
Trước khi trồng đu đủ thì bạn cần chú ý chuẩn bị: Hạt giống, đất trồng và chậu trồng.
a. Hạt giống
Việc lựa chọn hạt giống là khâu đầu tiên và quan trọng nhất quyết định tới sự phát triển của cây. Bạn cần chọn một quả đu đủ chín và cắt ra lấy phần hạt ở bên trong. Sau đó ngâm hạt vào nước và rửa sạch đem đi phơi khô để loại bỏ lớp nhớt bên ngoài hạt. Nên chọn những hạt khỏe mạnh, không sâu bệnh để đảm bảo hạt nảy mầm tốt. Ngoài ra, để thuận lợi hơn thì bạn có thể mua trực tiếp hạt giống tại các cửa hàng hoặc chợ.
b. Đất trồng
Trước khi trồng đu đủ bạn cần tiến hành làm đất một cách cẩn thận, đập đất nhỏ và cày đất thật sâu. Nếu trồng với diện tích lớn thì bạn phải lên luống có độ cao từ 45 – 50 cm so với rãnh đất để tránh ngập úng vào mùa mưa và các luống cách nhau khoảng 2 m. Bón lót cho đất trồng 0.2 kg Bosat và 1 tấn phân hữu cơ/1 sào, mỗi hố cách nhau 2m.
c. Chậu trồng
Ngoài trồng trực tiếp ở đất, bạn có thể chuẩn bị thêm chậu để trồng đu đủ, lưu ý nên chọn những chậu có kích thước lớn và có độ thoát nước tốt để đảm bảo cây phát triển tốt.
4. Hướng dẫn cách trồng đu đủ sai quả
Cách trồng đu đủ khá đơn giản và dễ thực hiện qua 2 bước: Ngâm hạt giống và làm bầu gieo hạt giống.
Bước 1: Ngâm hạt giống
Hạt đu đủ sau khi được phơi khô thì tiến hành ngâm vào nước âm theo tỉ lệ 2 lạnh : 3 nóng trong vòng 6 giờ đồng hồ. Sau đó đem hạt giống ra và ủ vào khăn ẩm 4 ngày để hạt nứt nanh và nảy mầm thì mới đem hạt đi gieo.
Bước 2: Làm bầu gieo hạt giống
Bạn cần chuẩn bị 1 túi nilon có đục lỗ thoát nước, tiến hành cho đất và phân theo tỉ lệ 1 phân : 3 đất vào bao nilon. Sau đó dùng tay ấn nhẹ hạt đu đủ vào giữa bầu đất và phủ lên trên một lớp đất mỏng. Nên đặt bầu đất ở nơi thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp gây kìm hãm sự nảy mầm của hạt.
Khi cây con đã phát triển từ 2 đến 4 lá thì bạn nên chú ý tưới nước thường xuyên cho cây 2 ngày 1 lần và làm giàn che giúp cây phát triển tốt. Giai đoạn cây phát triển 4 đến 5 lá thì bạn có thể tiến hành đem bầu ra ruộng để trồng.
5. Chăm sóc đu đủ đúng cách
Tưới nước: Đu đủ là loại ưa ẩm nhưng cũng rất sợ úng nước vì vậy tùy vào điều kiện thời tiết để tưới nước cho cây, trung bình tưới ngày 2 lần. Vào những mùa mưa lớn thì bạn cần hạn chế tưới nước để tránh cây chết do ngập úng.
Bón phân: Đu đủ là loài dễ trồng và dễ chăm sóc, tuy nhiên để cây phát triển tốt và cho quả đạt năng suất hơn thì bạn nên tiến hành bón phân để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây. Bạn nên tiến hành bón phân cho cây như sau:
– Giai đoạn cây 1 tháng tuổi sau trồng: Tiến hành bón lót phân NPK 16-12-8-11+TE bằng cách pha 50gr phân và 10 lít nước rồi tưới cho cây, cứ 1 tuần thì bón 1 lần.
– Giai đoạn 3 đến 7 tháng tuổi sau trồng: Cứ 100Gr NPK 16-12-8-11+TE pha với 10 lít nước tưới cho cây, 1 tháng bón 1 lần. Ở giai đoạn tháng thứ 6 của cây thì bạn có thể bón thêm 100gr vôi và 1kg phân hữu cơ HG01 để bón và kết hợp vun gốc cho cây.
Làm cỏ và tỉa cành: Ở giai đoạn cây ra hoa tạo quả, cỏ mọc lên nhiều để tránh cỏ lấy chất dinh dưỡng của cây thì bạn nên chú ý làm cỏ, vun xới quanh gốc cho cây.
Ở giai đoạn cây ra hoa tạo quả, cần chú ý tỉa những cành khô, hoa xấu và cắt tỉa bớt những chùm quả mọc quá dày, những quả bị sâu bệnh để tránh sự lây lan qua các quả khác.
Phòng trừ sâu bệnh: Những loại sâu bệnh thường xuất hiện ở cây đu đủ đó là: Nhện đỏ, rệp, bọ nhảy. Bạn nên chú ý theo dõi cây thường xuyên để bắt và loại bỏ sâu bệnh cho cây. Nếu trồng với diện tích lớn bạn có thể dùng Decis 2.5 ND để phun diệt trừ sâu bệnh gây hại. Đối với các loại bệnh như cháy lá, đốm vàng, thán hư… thì bạn nên sử dụng Daconil, Topsin để phun.
6. Thu hoạch đu đủ đúng mùa vụ
Sau 9 đến 10 tháng là thời điểm thích hợp nhất để bạn thu hoạch quả đu đủ chín, dấu hiệu để nhận biết đó là quả chuyển qua màu vàng, quả xuất hiện các sọc có màu vàng nhạt và ở chóp quả có màu hơi ửng vàng. Khi thu hoạch cần thu hái một cách nhẹ nhàng để tránh quả bị dập nát. Để kìm hãm độ chín của quả khi thu hoạch quá nhiều thì bạn nên phủ một lớp rơm ở dưới quả, ở nhiệt độ 10 độ C thì quả có thể dự trữ được khoảng 3 tuần.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách trồng đu đủ, mong rằng bài viết sẽ giúp bạn đọc một phần nào trong quá trình trồng và chăm sóc đu đủ để cây phát triển, cho ra nhiều quả. Chúc bạn thành công!